Đồ chơi và những "ẩn họa" với sức khỏe trẻ
Các món đồ chơi không phù hợp có thể gây ra những thương tổn về thể xác và tinh thần của bé. Chơi đồ chơi giúp trẻ phát triển tư duy và sự sáng tạo. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý cho bé chơi đúng cách để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Những câu chuyện dưới đây sẽ là kinh nghiệm cho bạn khi lựa chọn đồ chơi cho con.
Câu chuyện 1
Bé Thu Hương, một tuổi rưỡi, đang chơi bỗng khóc thét lên rồi ho sặc sụa, mặt tím tái. Chị Diễm My, mẹ bé và bà ngoại vội vàng đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng II. Bác sĩ đã gắp được một con thú bằng nhựa bé xíu từ trong mũi của bé.
Lời bàn: Mỗi loại đồ chơi chỉ thích hợp với một độ tuổi nhất định. Trẻ càng nhỏ, đồ chơi càng phải đơn giản, ít chi tiết và góc cạnh.
Nhiều phụ huynh như chị My không chú ý đến đặc tính này nên đã vô tình đặt con vào sự nguy hiểm.
Những món đồ chơi nhỏ hoặc tháo rời được dễ mắc kẹt trong tai, mũi, họng của trẻ. Tuy nhiên, khi bé nuốt phải dị vật, bạn không nên tự xử lý ở nhà mà nên đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất.
Một số đồ chơi được làm bằng nhựa cứng dễ vỡ hoặc bằng kim loại có thể tạo ra những cạnh sắc nhọn, có khả năng gây sát thương cho trẻ. Do đó, bạn tuyệt đối không nên cho trẻ chơi đồ chơi loại này khi bé chưa đủ lớn để nhận thức được mối nguy hiểm.
Những loại đồ chơi phát ra âm thanh vui nhộn như tàu hỏa, xe cứu thương, súng nhạc... cũng dễ thu hút sự chú ý của trẻ. Tuy nhiên, tiếng ồn phát ra từ các loại đồ chơi này thường khá lớn, ảnh hưởng không tốt đến thính giác của trẻ.
Bạn nên ưu tiên những loại đồ chơi có tiếng nhạc êm dịu, mức độ vừa phải. Với những món đồ chơi có âm thanh lớn, bạn nên cho bé chơi ở khu vực ngoài trời thoáng đãng để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn đối với thính giác của trẻ.
Ngoài ra, bạn nên cách ly trẻ khỏi những món đồ chơi nguy hiểm như: ná, súng, phi tiêu... Chúng không chỉ gây tổn thương đến thể chất mà còn khiến trẻ trở nên hung hãn, hiếu chiến.
Câu chuyện 2
Sau một năm đi học mẫu giáo, bé Tùng Lâm vẫn không có nhiều bạn vì chỉ thích chơi một mình. Ở nhà, khi bố mẹ ngỏ ý muốn chơi súng cùng, thỉnh thoảng bé mới miễn cưỡng đồng ý.
Tùng Lâm thích nhất là hộp chì vẽ bố mẹ mua cho. Bé có thể ngồi vẽ đến quên cả ăn cơm. Nhưng cũng vì thế bé ngày càng ít nói, ít vận động và khó hòa đồng với bạn bè hơn.
Lời bàn: Đồ chơi có thể cải thiện tính cách của trẻ với điều kiện món đồ chơi đó phải thích hợp. Với những trẻ ít nói, thụ động như bé Tùng Lâm, bố mẹ nên chọn loại đồ chơi ở trạng thái động như: ô tô, máy bay, xe tăng...hoặc các loại đồ chơi cần có bạn chơi cùng như cá ngựa. Sai lầm của bố mẹ Tùng Lâm là đã tạo điều kiện cho bé ngày càng thu mình vào vỏ ốc.
Với những trẻ quá hiếu động, bạn nên chọn đồ chơi ở trạng thái tĩnh như lắp ráp, nặn đất...Những bé có tính hấp tấp, không cẩn thận, đồ chơi cắt, dán thủ công sẽ giúp bé rèn luyện tính kiên nhẫn, cẩn thẩn và tỉ mỉ.
Câu chuyện 3
Trong phòng của bé Như Anh, 5 tuổi, có rất nhiều đồ chơi những bé chẳng buồn động đến món nào. Chị Ngọc Anh, mẹ bé, lo lắng không hiểu vì sao con không thích đồ chơi như các bạn cùng lứa tuổi.
Lời bàn: Thú nhồi bông, thú nhún, bong bóng... chỉ thích hợp với các bé hai tuổi rưỡi. Khi đã lớn, trẻ sẽ không còn hứng thú chơi những món đồ chơi đơn giản, nhàm chán đó.
Đồ chơi nhiều hay ít, đắt hay rẻ không quan trọng bằng việc phù hợp với độ tuổi. Có như vậy, đồ chơi mới giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tụê. Với những bé trong độ tuổi mẫu giáo, bạn nên chọn những đồ chơi phát huy trí thông minh của bé như: đất sét, xếp hình, tranh động vật...Theo tạp chí Tiếp thị Gia đình
Nhận xét
Đăng nhận xét